​QUAN HỆ  VIỆT NAM – VLADIVOSTOK NGA:

1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 30/01/1950

2/ Kinh tế-xã hội
Trải qua những khó khăn của chuyển đổi, khủng hoảng nặng nề trong suốt thập kỷ 90 của thế kỷ 20, từ năm 2001 đến nay, nhờ vào sự tăng cao về giá cả của các mặt hàng năng lượng xuất khẩu, tăng trưởng đầu tư, nhu cầu tiêu dùng nội địa và có sự đầu tư thích đáng, kinh tế Liên bang Nga phát triển tương đối ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP khá cao, trung bình 6-8%/năm, GDP năm 2007 đạt trên 1200 tỷ đôla, tăng 8,3 %, sản xuất công nghiệp tăng 6,3%, kim ngạch ngoại thương tăng 20,8 %, đầu tư cơ bản tăng 25,5%. Tổng đầu tư nước ngoài vào Nga năm 2007 đạt 3,3% so với GDP và có xu hướng tăng lên. Đến cuối tháng 12/2007, quỹ bình ổn đạt 3697,38 tỷ rúp; dự trữ vàng và ngoại tệ tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 507 tỷ USD tính đến đầu tháng 5/2008, đứng thứ 3 trên thế giới. Nga đã trả trước thời hạn khoản nợ 23,7 tỷ USD kế thừa từ thời Liên Xô cho Câu lạc bộ Pa-ri. Lạm phát từ tốc độ phi mã trong những năm cuối thế kỷ 20 đến năm 2006 đã khống chế ở mức một con số, tuy nhiên năm 2007 vẫn bị lạm phát 12%. Thu nhập thực tế của người dân tăng nhanh hơn tốc độ trượt giá, đến năm 2007 tăng gần gấp đôi so với năm 2000; thất nghiệp giảm gần một nửa. Chính phủ Nga đang triển khai thực hiện 4 chương trình quốc gia về cải thiện nhà ở, giáo dục, y tế và khoa học (khoảng 5 tỷ USD từ ngân sách nhà nước) và đầu tư thích đáng để hiện đại hoá quân đội.

Nga còn có những vấn đề lớn về kinh tế - xã hội phải khắc phục như: cơ cấu kinh tế không cân đối, tăng trưởng kinh tế cũng như thu ngân sách còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nguyên nhiên liệu (khoảng 50%), tỉ lệ thất thoát vốn còn lớn (khoảng trên 10 tỷ USD mỗi năm); lạm phát cao hai con số; an ninh xã hội chưa bảo đảm, tư tưởng bài ngoại và dân tộc cực đoan có dấu hiệu gia tăng, tệ quan liêu, tham nhũng phổ biến, môi trường đầu tư, kinh doanh kém thuận lợi; khả năng cạnh tranh của các ngành sản xuất trong nước chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, đầu tư thay đổi công nghệ mới và phát triển các ngành kỹ thuật cao còn hạn chế.

III/ ĐỐI NGOẠI

Trong thời gian qua, Nga thi hành chính sách đối ngoại thực dụng và linh hoạt, đa dạng hoá quan hệ trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, tranh thủ hợp tác kinh tế với các đối tác khác nhau, tạo môi trường hoà bình ổn định cho đất nước phát triển. Giai đoạn nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Pu-tin do thế và lực tăng lên, Nga tỏ cứng rắn và cương quyết hơn trong bảo vệ lợi ích quốc gia. Tân Tổng thống Mét-ve-đép cho biết, ông sẽ tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại mà Tổng thống Pu-tin đã đề ra.

- Quan hệ với Mỹ và phương Tây: là hướng ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Nga. Hai bên phát triển hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố và giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực. Nga có lợi ích lớn trong quan hệ kinh tế và năng lượng với EU. Tuy nhiên, gần đây, quan hệ Nga-Mỹ, Nga-EU có phần nóng lên do những bất đồng xung quanh việc Mỹ dự định triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Châu Âu, vấn đề dân chủ nhân quyền, vấn đề Nga gia nhập WTO, vấn đề hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, vướng mắc trong việc ký Hiệp định mới về hợp tác Nga-EU.

- Quan hệ với các nước SNG là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga vì đây là khu vực có nhiều mối ràng buộc về lịch sử, an ninh, kinh tế, văn hoá với Nga. Nga đẩy mạnh hợp tác song phương với từng nước, đồng thời tăng cường và củng cố các liên minh tầng nấc trong SNG về chính trị, kinh tế và quân sự. Thời gian gần đây, Nga thi hành chính sách năng lượng mới, chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang thị trường trong quan hệ năng lượng với các nước SNG, tăng cường hợp tác với các nước Trung Á trong lĩnh vực này. Quan hệ của Nga với nhiều nước được cải thiện hơn so với trước (U-crai-na, Môn-đô-va, U-dơ-bê-ki-xtan). Tuy nhiên, xu thế ly khai vẫn tiếp tục diễn ra ở khu vực này, gây phức tạp cho Nga trong quan hệ.

- Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chiến lược quan trọng và nhiều lợi ích đối với Nga, và gần đây được Nga coi trọng hơn trước. Vì vậy, Nga chủ trương tích cực hội nhập và tham gia vào tất cả các cơ chế đối thoại của khu vực (ASEAN, ARF, APEC...), mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước ở khu vực, trong đó có các nước Đông Nam Á.

Nga đẩy mạnh quan hệ song phương với Trung Quốc và Ấn Độ cũng như khuôn khổ hợp tác 3 bên Nga-Trung-Ấn. Về kinh tế-thương mại, Trung Quốc và Ấn Độ đều là thị trường tiềm năng rất lớn đối với Nga (kim ngạch thương mại Nga-Trung đạt hơn 30 tỷ đôla năm 2006). Tuy nhiên, quan hệ Nga - Nhật vẫn gặp nhiều trở ngại xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Bên cạnh đó, Nga tích cực đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại, chú trọng tới quan hệ với các nước Trung Đông, Mỹ La Tinh, Châu Phi, trong đó hợp tác kinh tế và kỹ thuật quân sự được đẩy mạnh.

​​

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​